Thỏa ước lao động tập thể (TULĐTT) là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản. TULĐTT bao gồm TULĐTT doanh nghiệp, TULĐTT ngành, TULĐTT có nhiều doanh nghiệp và các TULĐTT khác. Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật (Điều 75 Bộ luật Lao động 2019).

Nội quy lao động (NQLĐ): Nội quy lao động không được định nghĩa trong Bộ luật Lao động 2019 cũng như các văn bản có liên quan, nhưng có thể hiểu đó là việc người sử dụng lao động quy định các vấn đề mà người lao động phải thực hiện khi làm việc tại doanh nghiệp và những biện pháp xử lý đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động như: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động; các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động; …

Như vậy, có thể hiểu rằng nội quy lao động là ý chí của người sử dụng lao động, còn thỏa ước lao động tập thể là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Vậy, giữa hai văn bản này thì TULĐTT có hiệu lực pháp lý cao hơn NQLĐ?

Căn cứ Điều 79 của Bộ luật Lao động 2019 quy định về thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp như sau:

– Người sử dụng lao động, người lao động, bao gồm cả người lao động vào làm việc sau ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực, có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực.

– Trường hợp quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể thì phải thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể. Quy định của người sử dụng lao động chưa phù hợp với thỏa ước lao động tập thể thì phải được sửa đổi cho phù hợp; trong thời gian chưa sửa đổi thì thực hiện theo nội dung tương ứng của thỏa ước lao động tập thể.

– Khi một bên cho rằng bên kia thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm thỏa ước lao động tập thể thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thỏa ước lao động tập thể và các bên có trách nhiệm cùng xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.

Từ quy định trên, có thể thấy TULĐTT có hiệu lực pháp lý cao hơn NQLĐ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *